Bất động sản chuyển dịch thế nào khi đô thị quá tải?

Người mua nhà chấp nhận di chuyển xa hơn để có không gian sống tiện nghi, mảng xanh rộng lớn, hạ tầng thuận tiện và đa dạng lựa chọn sản phẩm bất động sản.

“Vị trí vàng” của bất động sản thời đại mới

Trong nhiều yếu tố tạo nên giá trị bất động sản, vị trí luôn là yếu tố tiên quyết. Một sản phẩm bất động sản có “vị trí vàng” được xác định bởi khoảng cách đến công trình hạ tầng giao thông, tiện ích trọng điểm của đô thị. Khuynh hướng này thể hiện rõ tại các thị trường bất động sản có nét tương đồng với Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, kể cả các quốc gia phát triển như Mỹ, Australia…

Điển hình tại Bangkok (Thái Lan), hàng loạt dự án bất động sản lớn từ những ông lớn như Pruksa Real Estate, LPN, Sansiri… đều tập trung quanh ba tuyến giao thông trọng điểm: hệ thống tàu điện trên cao BTS, tàu cao tốc MRT và cao tốc sân bay.

Diễn biến tương tự cũng xuất hiện trên thị trường trong những năm gần đây khi khu Đông thành phố đón hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư nâng cấp hạ tầng đô thị, kéo theo sự tham gia của các tập đoàn bất động sản trong và ngoài nước. “Ăn theo” đà phát triển và hoàn thiện hạ tầng khu vực này, giá trị bất động sản cũng tăng lên nhanh chóng và luôn có tính thanh khoản cao bởi dư địa tăng trưởng dồi dào trong dài hạn.

Xu hướng chuyển dịch ra khỏi lõi trung tâm đô thị

Lý giải cho xu hướng bất động sản ồ ạt đổ về phía các đường vành đai và cao tốc, ông Nguyễn Minh Hòa – Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TP.HCM cho rằng, nguyên nhân chính đến từ tình trạng quá tải lõi đô thị. Ông Hòa cho rằng, TP.HCM cũng giống như bất kỳ thành phố nào khác trên thế giới, đều có ngưỡng phát triển được giới hạn về tài nguyên nước, không khí, hạ tầng, đất đai. Trong khi đó, tình hình dân cư phân bổ không đều, chủ yếu tập trung vào lõi trung tâm ngày càng gia tăng, gây sức ép lớn đến hạ tầng kỹ thuật, môi trường… “Đây là một trong những thách thức lớn trong quy hoạch đô thị của thành phố“, ông Hòa nói.